Bí quyết làm mứt dừa non dẻo ngon, béo ngậy
Mỗi mùa Tết đến xuân về thì cách làm mứt dừa non lại là một trong những công thức “hot” được nhiều chị em quan tâm và yêu thích. Cách làm khá đơn giản, tuy nhiên nếu không chú ý thì rất có thể chỉ sau vài tiếng sẽ bị chảy nước, kém ngon, khó bảo quản. Vậy bí quyết làm thành mứt dừa dẻo béo ngậy là gì? Cùng tham khảo ngay sau đây nhé!
I. Cách làm mứt dừa non dẻo ngon béo ngậy
Để bắt đầu làm mứt dừa non dẻo ngon bạn cần chuẩn bị những nguyên liệu sau
1.1. Chuẩn bị nguyên liệu:
- Cùi dừa non: 1kg
- Đường: 500gr
- Vani: 1 ống
1.2. Các bước thực hiện cách làm mứt dừa non
Bước 1: Bổ đôi quả dừa, dùng thìa khẽ tách phần cùi với vỏ. Sau đó dùng dao gọt bỏ lớp vỏ nâu bên ngoài.
Bạn cũng có thể mua cùi dừa non tại các cửa hàng bán dừa xiêm để tiết kiệm thời gian.
Bước 2: Thái dừa thành miếng hoặc bất cứ hình thù nào. Vì dừa non khá mềm và dẻo nên thái dày 1 chút để khi ăn cảm nhận rõ sự khác biệt so với mứt dừa bánh tẻ.
Bước 3: Rửa sạch với nước để loại bỏ bớt phần dầu dừa.
Bước 4: Đun sôi 1 nồi nước, cho dừa vào chần nhanh trong khoảng 2-3 phút. Sau đó đổ ra rổ, để ráo nước.
Bước 5: Đổ đường vào ngâm cùng dừa ít nhất khoảng 1 tiếng đến khi đường tan hẳn.
Bước 6: Bước tiếp theo của cách làm mứt dừa non chính là cách sên mứt.
- Bạn hãy đổ tất cả đường và dừa vào chảo, đun sôi ở mức nhiệt vừa phải.
- Đến khi gần cạn nước, để nhiệt ở mức nhỏ nhất. Đảo đều tay liên tục đến khi cảm thấy nặng tay, đường bắt đầu bám trắng vào từng miếng mứt. Lúc này, đổ ống vani vào mứt và tiếp tục đảo đều.
Bước 7: Đường bắt đầu bám trắng thì tắt bếp và tiếp tục đảo đều khoảng 5 phút.
Bước 8: Sau đó đổ mứt ra khay, hong quạt khoảng 15 phút. Đây chính là bí quyết để mứt dừa non luôn khô ráo, không bị chảy nước.
Chỉ cần lưu ý 1 chút về việc giữ mức nhiệt chuẩn khi sên là bạn hoàn toàn có thể thành công với cách làm mứt dừa non non dẻo cực ngon đãi khách trong dịp Tết Nguyên Đán sắp tới.
Tham khảo: Bí Quyết Làm Mứt Cao Dẻo Hấp Dẫn KHÔNG ĐẮNG Tại Nhà
1.3. Nguyên nhân và cách khắc phục các lỗi khi sên mứt dừa
- Mứt không kết tinh được do thiếu đường. Bạn nên ướp mứt với tỷ lệ ở trên, không được cho ít hơn. Nếu mứt không kết tinh được do thiếu đường thì đổ thêm đường vào sên tiếp.
- Để lửa quá to sẽ làm cho đường bị cháy, keo lại không kết tinh được. Khi sên nên để lửa thật nhỏ, không được nóng vội.
- Khi thực hiện cách làm mứt dừa non, bạn không nên sên mứt lâu quá sẽ làm khô mứt, khi ăn sẽ bị cứng. Nhớ sên đến khi nặng tay đường hơi kết tinh thì nhấc chảo ra khỏi bếp, đảo liên tục ở bên ngoài đến khi kết tinh hẳn chứ không đảo mứt kết tinh trên bếp còn lửa.
- Đổ mứt ra mâm, đi bao tay sốc mứt lên trước quạt cho nguội hẳn, dừng lại và tiếp tục hong trước quạt thêm 2-3 tiếng mới đóng túi.
- Nếu đường keo lại, sên mãi không kết tinh thì bạn hãy mang đi rửa hết phần đường cũ, cho lại đúng tỷ lệ như cách làm mứt dừa non đã hướng dẫn trên và sên thật nhỏ lửa.
- Nếu mứt chảy nước mà nhà có lò sấy thì sấy thêm ở 100 độ trong 15 phút, sau đó lặp lại khâu đi bao tay sốc mứt trước quạt đến khi khô hẳn và quạt thêm khoảng 2-3 tiếng.
- Nếu làm các công đoạn trên vẫn bị chảy nước thì cho dừa lên bếp để nhiệt độ nhỏ nhất, sên thêm một lúc nữa, rồi lại đảo và hong trước quạt thêm vài giờ hãy đóng gói.
II. Cách phân biệt các loại dừa non, dừa bánh tẻ và dừa già
Để thực hiện cách làm mứt dừa non thành công nhất, khâu lựa chọn nguyên liệu làm mứt dừa rất quan trọng, mời bạn tham khảo những điểm phân biệt 3 loại dừa: dừa non, dừa bánh tẻ, dừa già sau đây.
2.1. Các nhận biết dừa non
- Trái dừa non có cùi mềm, mỏng, nước ngọt nhất, khi nhai cùi ăn sần sật rất ngon.
- Bề ngoài dừa non có da mềm, vỏ màu xanh tươi, lấy móng tay bấm vào cùi dễ dàng, ăn có vị ngậy và sữa thơm đặc trưng. Ngoài cùi thì vỏ dừa non cũng mềm hơn dừa bánh tẻ.
- Muốn nhận biết được dừa non thì hãy lấy tay cào phần vỏ gần cuống, nếu cào dễ chứng tỏ đó là dừa non, nhìn màu xanh vỏ sáng màu thì sẽ càng chắc chắn hơn.
- Hiện nay người ta còn thường dùng dừa non làm mứt. Cách làm mứt dừa non ngon dẻo được nhiều người yêu thích và cũng khó làm hơn dừa bánh tẻ.
2.2. Các nhận biết dừa bánh tẻ (không quá già hay quá non)
- Đây là một lựa chọn để làm mứt hay làm dừa kho cực ngon. Dừa bánh tẻ không cứng như dừa già, cũng không mềm như dừa non, nó có độ dai vừa phải nên rất dễ nạo sợi hay thái miếng.
- Bên ngoài dừa bánh tẻ có màu hơi nhạt, đều màu không bị loang lổ, lớp vỏ mềm.
- Muốn nhận biết được dừa bánh tẻ bạn hãy bấm móng tay vào dừa, cảm nhận được độ giòn và không bị dai. Bạn có thể mua dừa đã tách vỏ sẵn, tuy nhiên bạn nhớ để ý là cùi dừa bánh tẻ hơi mềm, màu trắng ngần đẹp mắt, không trong như dừa non, cũng ko trắng đục như dừa già, lớp vỏ mỏng ngoài cùi nâu nhạt.
- So với cách làm mứt dừa non thì dừa bánh tẻ sẽ dễ làm mứt hơn nhưng không béo và ngậy như dừa non
2.3. Các nhận biết dừa già
- Cùi của dừa già thường dày và khô, vỏ sát cùi có màu nâu sẫm và cứng, ở ngoài nổi nhiều múi. Bạn cũng nên chọn dừa có cùi trắng và sáng màu vì nó còn tươi, không bị thâm hay ngả màu. Cùi dừa già thường cứng hơn dừa bánh tẻ và thường không được dùng để làm mứt
- Muốn biết dừa già hay không thì ngoài việc lấy tay bấm vào cùi thấy cứng thì bạn cũng có thể nhìn vào màu sắc lớp vỏ mỏng dính với cùi có màu nâu sẫm hơn dừa bánh tẻ. Hay cào vỏ gần cuống dừa không tróc được thì cũng nhận biết được đó là dừa già.
- Cách gõ tay vào quả dừa và nghe âm thanh cũng là một cách phân biệt dừa bánh tẻ với dừa non, dừa già, đây là kinh nghiệm từ xưa truyền lại. Vỗ nghe tiếng trầm là quả dừa còn non, cơm dừa mỏng, nếu nghe tiếng thanh thanh phát ra là cơm dừa đã dày, nước đã ngon ngọt.
Với cách làm mứt dừa non trên đây chúc bạn thực hiện thành công và có một dịp Tết vui vẻ, đầm ấm bên gia đình và bạn bè. Cảm ơn đã theo dõi bài viết.